y giờ đã phát triển hơn trước, ngày trước chỉ được ăn rau luộc chấm nước mắm đã hạnh phúc lắm rồi. Cũng chẳng gạo trắng nước trong như bây giờ. Nhìn bọn trẻ ăn cơm ngon miệng, bà Hai cũng thấy vui.
- Cứ ăn tự nhiên nha con, không có gì phải ngại, chỉ là món ăn đạm bạc của người miền quê, bà chỉ sợ con ăn không quen. - Bà nhìn Thiên Phong đang ăn từ tốn không như bọn trẻ miệng mồm dính đầy cơm kia cười nói.
- Dạ không đâu bà. Cơm bà nấu ngon lắm ạ, con ăn rất ngon, ngon hơn cả chị Nga nấu. - Thiên Phong ăn món thịt kho tộ vừa miệng lại lạ kia, phải công nhận là rất ngon.
- Anh có ăn được khổ qua không? - Việt Phương quay đầu nhìn Thiên Phong đang ngồi cạnh mình hỏi nhỏ.
Thiên Phong nhìn món canh khổ qua dồi thịt nãy giờ mình chưa ăn nhưng gật đầu.
- Anh ăn cái này đi! - Việt Phương xắn một nửa trái khổ qua dồi, lấy phần thịt trong ruột bỏ vào chén mình, còn phần vỏ bỏ vào chén Thiên Phong. - Người thành phố ăn thịt nhiều nên hay ngán, anh ăn vỏ khổ qua đi, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.
Nhìn vào ai cũng nghĩ Việt Phương tốt bụng, lo nghĩ cho Thiên Phong. Nhưng bà nội Việt Phương nghe xong thì gõ đầu cô bé mắng:
- Cha mày, thấy anh khờ thì lừa đảo à? Tốt như vậy thì con ăn nhiều đi, ăn ruột không làm gì.
- Phải đó, mày ăn vỏ đi, đưa cái ruột cho tao, hehe! - Thằng Nam cười nham nhở, nhanh tay đưa đũa gắp mất phần ruột trái khổ qua của Việt Phương đang nằm trong chén bỏ vào miệng cắn ngon lành.
- Thằng quỷ này, sao mày ăn của tao, trả lại mau! - Việt Phương tức giận vì bị cướp phần thịt của mình trừng mắt nhìn thằng Nam mắng.
- Tao ăn hết rồi, làm sao trả? Mày cứ ăn vỏ đi, vỏ tốt mà! - Thằng Nam le lưỡi trêu Việt Phương.
- Tao không ăn, vỏ khổ qua đắng gần chết. - Việt Phương vùng vằng đáp. Sau đó cô bé giật mình xấu hổ nhìn Thiên Phong cười giả lơ nói. - Ăn đi ăn đi!
Cả đám cười phá lên vì lời của Việt Phương, vốn định lừa Thiên Phong ăn hộ mình, nào ngờ lại bị thằng Nam cướp cạn, đã vậy còn giấu đầu hở đuôi như thế. Bọn trẻ cười muốn sặc sụa luôn, Việt Phương bị quê thì mím môi tức giận.
- Anh ăn giúp em vỏ, em cứ ăn ruột đi. - Thiên Phong thấy vậy thì gắp cho cô bé cái ruột bỏ vào chén.
Việt Phương nhìn Thiên Phong cảm kích, liền ăn phần ruột của mình trước khi bị cướp cạn nữa.
Thiên Phong tuy ăn không nhiều như bọn trẻ nhưng cậu cảm thấy bữa cơm này rất ngon, vui vẻ, ấm áp đầy tiếng cười. Cậu nhóc vô cùng thích, so với bữa cơm một mình trong căn nhà rộng, cậu thấy bữa cơm nhỏ ở đây vậy mà vui hơn rất nhiều. Cuộc sống ở đây, cậu rất thích.
Cơm nước say sưa, bọn trẻ ngồi xếp bằng trên mấy cái ghế đẩu bằng tre nhỏ lắng nghe ông nội Việt Phương kể chuyện thời xưa, cái thời mà tụi Tây vào đây ức hiếp dân làng.
Ông nội Việt Phương tay cầm cái quạt mo phe phẩy, vuốt ve cái chòm râu đã quắn nhặng xị của mình và bạc phơ bạc phếch đưa mắt nhìn ra bên ngoài tối đen như nhớ lại những khoảng thời gian người dân khốn khổ.
- Hồi đó bọn chúng ác lắm, hễ ghi ai liền bắt bớ ngay. Chúng đem đi tra khảo đánh đập rất dã man. Ông Tư bây, tức ông nội thằng Hiển cũng đi lính cùng thời với ông chẳng may bị chúng bắt được, ông Tư bây bị chúng tra tấn rất dã man... chúng còn thẻo từng miếng thịt của ổng ra để làm ổng đau đớn chịu không nổi mà khai ra. Nhưng ông Tư bây gan lớn lắm, đau thế nào ổng cũng không khai. Cuối cùng tụi Tây cũng chịu thua đành phải đày ổng ra đảo nhốt gần một năm trời mới chịu thả.
- Ghê quá, tội nghiệp ông nội mày quá Hiển! - Con Thắm rưng rưng nước mắt khi nghe kể.
- Ông nội mày giỏi ghê! - Việt Phương nhìn thằng Hiển ngưỡng mộ.
- Chứ sao, ông nội tao mà. - Thằng Hiển ưỡn ngực tự hào.
- Tụi bây im lặng để ông Hai kể tiếp coi! - Thằng Nam lên tiếng mắng.
- Năm đó, ông được giao nhiệm vụ trông coi gạo, chẳng may chỗ trốn bị phục kích, mọi người ai cũng lo chạy tháo thân. Ông và ông Bảy Mắn, hai người liều mình ở lại chôn số gạo xuống đất. Phải biết hồi đó bộ đội mình đi cách mạng cực khổ lắm, bữa đói bữa no; có được một bao gạo trắng là mừng biết bao nhiêu, cho nên ráng chôn gạo để sau này còn có mà dùng.
- Ông nội, có phải hồi đó bà nội chuyên gánh gạo nuôi bộ đội không hả nội? - Việt Phương bỗng lên tiếng hỏi.
- Ừ, hồi đó ông đi suốt, hiếm khi về nhà, một tay bà nội con nuôi cha mẹ chồng với con cái. Bà nội con giỏi lắm, cái gì cũng bán hết, từ giỏ chạc... đến bán gạo. Cứ bán chín thì chừa một đặng đêm tối gánh đưa cho các chú bộ đội ẩn nấp.
- Nhưng trốn ở đâu hả ông Hai? - Con Thắm lên tiếng hỏi.
- Thì trốn trong rừng hay nhà dân. Trốn trong rừng thì an toàn hơn lại dễ chạy trốn nhưng dễ bị sốt rét lắm vì muỗi rất nhiều, lại lạnh nữa. Hồi đó xung quanh đây toàn là cây cối rừng rậm, chẳng được như bây giờ đâu. Trốn ở nhà dân thì thoải mái hơn, trốn xuống dưới hầm tránh bom ấy nhưng không an toàn, một khi bọn lính nó rình được thì nguy, còn hại luôn gia đình người chủ. Nhưng cũng may, người dân mình rất đùm bọc yêu thương nhau, chẳng ai hé răng lấy một lời về việc có bộ đội trốn trong làng hết.
- Làng mình có ai chết không ông Hai? - Thằng Hải đưa đôi mắt ngây thơ tò mò hỏi.
- Có chứ, dân mình hồi đó chết nhiều lắm. Ông Năm Ria của bây; em ông ngoại con Thắm chết trẻ lắm, ổng bị chúng bắt, mổ bụng, lấy gan xẻ làm năm miếng ăn, còn khen ngon. Hồi đó bà cố con Thắm khóc gần hết nước mắt vì thương con trai. Sau này bà được nhà nước truy phong danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng là vậy.
- Dạ, cái nhà đó bà cố con cho cô Tư con ở, cô Tư con thờ bà cố ở đó luôn. - Con Thắm gật đầu xác nhận.
- Bọn giặc ác quá, phải con mà ở đó, con nhất định ăn thua đủ với bọn chúng. - Thằng Nam tức giận cung tay mắng.
- Thằng cha mày, tụi Tây xài súng Tây không hà, tụi bây tay không đấu với chúng chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Nhưng nói gì thì nói, bộ đội mình dưới sự lãnh đạo của Bác đã anh dũng đánh lùi quân địch, giành độc lập cho nước nhà, chúng ta có thể tự hào về dân tộc mình nhiều lắm các con à...
Thiên Phong ngồi im lặng lắng nghe, cậu không như những lũ trẻ nhao nhao hỏi cái này hỏi cái nọ. Cậu nhóc cảm thấy đây mới chính là những bài học lịch sử quý giá, những bài học lịch sử mà không có những tài liệu lịch sử nào có thể nói rõ hơn những người trong cuộc, lời kể mộc mạc, những hình ảnh lịch sử được tái hiện qua ánh mắt của họ.
Bên ngoài tiếng ếch kêu lên ồm ộp, màn đêm tĩnh mịch tưởng chừng rất lạnh lẽo nhưng kì thực lại vô cùng ấm áp.
Sáng sớm, Thiên Phong thức dậy vươn vai đứng bên cửa sổ đón một ngày nắng mới đầy vui tươi, nhìn những đồng ruộng từ xanh chuyển dần sang sắc vàng. Mới ở đây một thời gian thôi nhưng cậu nhóc gần như yêu nơi này vô cùng. Đầu tiên là yêu không khí trong lành yên tĩnh, sau đó lại yêu phong cảnh thơ mộng và rất đẹp khiến người ta không khỏi dứt mắt rời đi được. Tiếp đến là sự chân tình hồn nhiên của lũ trẻ ở quê và những người dân chân chất tốt bụng như ông bà nội của Việt Phương.
Bốc...
Một vật gì đó va vào cửa sổ phòng của Thiên Phong khiến cậu nhóc giật mình nhìn dáo dác. Việt Phương đã ở bên dưới vẫy tay với Thiên Phong gọi. Cô bé đứng ngay cạnh hàng rào cổng sau mà lần trước cô bé trốn đến đây. Thiên Phong ra dấu hiệu chờ chút, rồi quay đầu chạy thật nhanh vào phòng vệ sinh.
Khi Thiên Phong bước ra khỏi nhà, Việt Phương đã bĩu môi chê:
- Đúng là trai thành phố lưng dài vai rộng, lười khủng khiếp, đến giờ này mới dậy.
Thiên Phong bị chê thì xấu hổ có chút đỏ mặt, nói thật thì ở thành phố cũng chẳng làm gì nên ngày nghỉ người ta thường ngủ nướng. Nhưng bình thường Thiên Phong cũng chẳng ngủ dậy quá muộn như hôm nay, chỉ vì tối qua là lần đầu tiên cậu nhóc được chơi thỏa sức và vui vẻ như thế cho nên lúc về vì vui quá mà không ngủ được.
Thiên Phong nhìn Việt Phương gãi đầu cười xấu hổ. Việt Phương liền quăng cho cậu một trái bắp luộc đã nguội bớt.
- Cho anh, coi như đồ ăn sáng.
- Ờ... - Thiên Phong gật đầu khù khờ, lột luôn trái bắp ra ăn ngay chẳng chần chừ, sau đó nhìn Việt Phương khen. - Ngon quá, rất ngọt!
Khóe môi của Việt Phương hơi cong lên, cô bé nhìn vẻ đen đúa đi nhiều của Thiên Phong cảm thấy hài lòng lắm. Cô bé bất giác mở miệng nói:
- Nếu cho anh chọn, anh muốn sống ở đâu, thành phố hay ở đây?
Thiên Phong đang gặm trái bắp thì dừng lại khi nghe câu hỏi, cậu nhóc buông xuôi trái bắp trong tay hướng mắt nhìn về con đường mòn có mấy bụi tre tỏa bóng mát rượi.
- Nếu phải lựa chọn, anh thật sự muốn quay trở lại thành phố. - Thiên Phong sau giây phút suy nghĩ, cậu nhóc nói lên suy nghĩ của mình.
Việt Phương nhìn Thiên Phong mím môi khinh bỉ rồi quay mặt đi, dù sao thì rất ít người giống như Việt Phương, hễ đã sống ở thành phố với những điều kiện vật chất đầy tiện nghi, chẳng ai muốn về vùng quê này là mấy nữa.
- Mẹ anh mất rồi, nhà thành phố mới có kỷ niệm của mẹ với anh, ở đây thì không. - Thiên Phong vẫn đưa mắt nhìn ra khoảng không trước mặt nói tiếp.
Việt Phương nghe giọng nói đầy buồn bã khiến người ta nhói lòng thì bất giác rung động, trong lòng có gì đó đồng cảm với Thiên Phong; cô bé cắn môi nhìn Thiên Phong, ý nghĩ khinh ghét lúc nãy đã bay biến đi đâu mất rồi. Trong lòng tự nhiên cũng buột miệng nói:
- Ừ...
Cảm giác này Việt Phương hiểu rõ nhất, đây cũng từng là ý nghĩ lúc nhỏ của cô bé. Ở đây được yêu thương nhưng chẳng phải nơi thuộc về gia đình mình.
- Mấy đứa tụi nó đâu? - Thiên Phong chẳng muốn nghĩ đến ba mình và dì ghẻ đang làm gì nữa, hai người họ có lẽ đã trở về Việt Nam rồi.
- Anh làm như tụi nó rảnh như anh lắm ý, suốt ngày vui chơi, tụi nó cũng phải phụ giúp gia đình nữa chứ. - Việt Phương hừ mũi đáp.
- Thế còn em? - Thiên Phong cười ranh ma giễu lại cô bé. - Chẳng phải cũng nhàn rỗi giống anh hay sao?
Việt Phương xụ mặt, ở nhà, cô bé chẳng phải là công chúa sao, chẳng biết làm cái chi cả. Nhiều lúc tụi bạn đi phụ ba mẹ, Việt Phương chẳng biết làm gì, chỉ đành thơ thẩn mà thôi, rõ chán.
Nhưng cô bé vốn ương bướng chẳng muốn chịu thua ai, hất mặt nói với Thiên Phong:
- Cho nên tới đây bảo anh đi phụ giúp nè, được không?
- Đi đâu? - Thiên Phong nghiêm mặt hỏi.
- Đương nhiên là ra ruộng rồi.
Thiên Phong theo Việt Phương ra ruộng, trái bắp non ngọt lịm đã bị cậu nhóc xử nhanh chóng. Ruộng từ nhà cậu nhìn ra chỉ vừa mới chín vàng, chưa trĩu hạt. Những đám ruộng bên này thì đã trĩu hạt vàng óng ánh rất đẹp. Trên ruộng, mọi người đang chuyên cần cắt lúa, từng bó lúa được gặt xuống thẳng đều tăm tắm, được người khác khuân vào bồ đập. Từng giọt mồ hôi nhỏ xuống mặt mọi người nhưng họ vẫn cười nói vui vẻ.
- Sao không dùng máy cắt lúa, vừa nhanh vừa khỏe lại vừa rẻ? - Thiên Phong nhìn cô chú nông dân xong thì hỏi khẽ Việt Phương, tuy là không hiểu về nông thôn lắm nhưng trong sách vở vẫn để hình máy cày, máy gặt dạy học mà.
- Hứ... đúng là dân thành phố. Anh không biết là khi chính tay mình gặt hái mới thấy được niềm vui, chứ cái gì cũng máy móc hết mọi người sẽ ỷ lại. Mọi người cùng nhau làm, anh không thấy là rất vui hay sao, có khi còn không biết mệt ý. Với lại dùng máy không thể rũ sạch được những hạt thóc, mà người dân cực khổ mới trồng được mà không thu hoạch được hết thì đúng là phí phạm. Anh có nghe câu: ”một hạt thóc còn quý hơn vàng“ chưa?
Thiên Phong cúi đầu im lặng nghe Việt Phương dạy đời, chẳng ...