nó, vậy mà hai đứa lại là máu mủ ruột già của nhau. Người đó là thứ gì trên mây, hoặc trong giấc mộng mà thôi. Mối liên hệ với người đó chính là thứ tinh khiết, xinh đẹp duy nhất tồn tại giữa cuộc sống bùn nhơ thường ngày của con bé.
Bầu trời dường như bị cơn mưa hút lấy trơ ra một vệt nứt sâu thẳm, mưa gần ngớt hẳn, chỉ còn những tầng mây nặng trịch tắc lại không chịu tan. Phương Đăng phủi phủi đôi bàn tay đầy bùn đất, ngồi vắt vẻo trên tường cao nhìn xuống. Nó là đứa bé con nhà thôn dã, lấy mặt đất dốc đứng cùng cây xoài bên đường làm đà trèo lên bức tường đã xiêu đổ của Phó gia viện, chẳng phải chuyện khó lắm. Góc này không trông ra ngõ, chẳng ai phát hiện nó được. Hàng rào sắt nhọn hoắt, thẳng băng trên đỉnh tường vừa hay bị lở mất một đoạn đủ cho nó ngồi lên trên.
Nhóp nhép cái kẹo cao su lão Đỗ cho ban trưa, nó rướn cổ ngó nghiêng bốn phía. Căn phòng nhỏ cậu ta ở nằm ngay trước mặt, nhưng cửa ra vào lẫn cửa sổ hướng ra phía khác. Dưới chân nó, một mảnh đất trống rộng thênh thang. Trong góc vườn có một cái đình nghỉ mát mái sụt mất một nửa, bên cạnh là miệng giếng, xung quanh hoa cỏ xanh tươi, khác hẳn vẻ hoang liêu nơi cổng chính. Phương Đăng đang phân vân có nên nhảy xuống xem cho rõ, chợt hiểu ra mỗi một cành cây ngọn cỏ nơi này vì sao được chăm sóc tốt đến thế. Nó thấy cái người mình tìm đang cầm cây kéo làm vườn, cắm cúi tỉa tót một chậu kiểng chẳng rõ tên ở góc rẽ tận cuối tầm mắt. Cậu ta chắc chưa biết có một vị khách không mời đang ngồi trên tường cao kia.
Ở bên ngoài cậu ta khiến người khác cảm thấy khó gần, tuy chưa đến mức lạnh nhạt, nhưng cái vẻ xa lạ ấy cứ như dùng một tấm màn ngăn bản thân khỏi tất cả mọi sự. Chuyện lúc trưa thật khiến Phương Đăng bối rối. Con bé nghĩ chắc ở nhà cậu ta cũng ngất ngưởng như thế, giống như một đứa trẻ con nhà có tiền giàu từ trong trứng giàu ra ấy. Mặc dù con nhà có tiền thường làm cái gì, về cơ bản là nó không biết. Dù sao cũng không thể như nó đang thấy: Tay áo xắn cao, ống quần bị nước mưa đọng trên hoa cỏ làm ướt cả, một bên mặt còn lấm chút bùn.
Động tác của cậu ta thật thuần thục, ánh nhìn chăm chú, cây kéo làm vườn trong tay nhẹ nhàng linh hoạt, trông cậu dịu dàng hơn nhiều. Phương Đăng bỗng táo tợn hẳn lên, nhặt lấy một miếng gạch vỡ, ném về phía đó. Viên gạch rơi đúng vào ngọn cây ngọc lan trước mặt cậu thiếu niên. Cái cây khẽ lay động, những giọt nước bắn tóe lên, cậu ta đưa tay hứng lấy. Ngẩng lên nhìn, thấy Phương Đăng đang ngồi trên tường, lần này rõ ràng là cậu kinh ngạc.
“Phó Kính Thù, anh có phải là Phó Kính Thù không?”
Cảm thấy câu hỏi của mình hơi kỳ, Phương Đăng tự bưng miệng cười.
“Cô đi theo tôi làm gì?” Cậu ta không cười, cũng không có vẻ giận.
Phương Đăng đáp: “Hóa ra anh biết nói à. Tôi tưởng anh bị câm cơ. Sao lúc trưa không nói gì?” Cô nhóc muốn tỏ vẻ ngầu, cố thổi một quả bóng thật to, ai ngờ thổi mạnh quá bóng vỡ, dính đầy cả mặt.
Chẳng rõ khóe miệng người kia có phải vừa nhếch lên hay không nữa. Cậu ta nói: “Trưa nay á? À… Tôi sợ cô sẽ bịp cả tôi.”
Nói những lời như thế mà trông cậu ta thật hời hợt. Phương Đăng hầm hầm liếm kẹo cao su dính quanh miệng, mấy thứ này đã dính thật khó làm sạch. “Cái kẹo lởm này!” Nghĩ sơ cũng hiểu những thứ lão Đỗ cho làm gì có cái gì tốt đẹp! Nó không chịu thừa nhận, tâm trạng mình bỗng chốc rối ren chỉ vì một câu nói vô tình mà đâm trúng chỗ hiểm của Phó Kính Thù.
Phó Kính Thù chẳng buồn lên tiếng nữa, lại cúi xuống tỉa tót chậu kiểng tồi tàn, hình thù kỳ dị của mình. Phương Đăng càng nhai tợn, trong tim nỗi sợ thêm dầy.
“Lão ta chẳng phải giống gì tốt đẹp. Từ khi tôi dọn vào mắt lão cứ hấp ha hấp háy, chỉ chực giở quẻ.” Nó cúi đầu nhìn mũi chân mình chốc chốc lại đá bâng quơ vào mấy cành cây bên tường, “Ừ thì tôi cũng lợi dụng lão đấy, nhưng mà lão đáng bị như thế! Phải có người cho lão bài học chứ.”
Tuôn xong một tràng lý luận đanh thép, tự con bé cảm thấy nhạt nhẽo. Nó là sứ giả của chính nghĩa ư? Có heo mới tin.
“Bố tôi không đóng nổi tiền thuê nhà nửa tháng sau đâu. Với tôi tiền quan trọng lắm.” Con bé không muốn bị vợ chồng lão Đỗ đuổi đi, không muốn chuyển nhà nữa. Cái gác xép kia tuy có hôi hám nhưng cũng tốt lắm rồi, ít nhất nơi ấy có một khung cửa sổ.
Nó nín thở quan sát phản ứng của bên kia. Cậu ta vẫn chăm chú vào chậu cây, tỉa tỉa cắt cắt, có điều động tác chậm lại, lát sau lên tiếng: “Tôi không có rượu, không phải chủ nhà của cô, cũng không có tiền đâu.”
Chẳng phê bình luân lý đạo đức, không khinh lờn, càng không mảy may an ủi hay thương hại. Phương Đăng nghe xong, tâm trạng quay ngoắt một trăm tám mươi độ, trở lại vẻ láu lỉnh, cười hi hi nói: “Anh mà không có tiền? Phòng thì to ngần này, vườn thì rộng ngần này.” Con bé vừa nói vừa khoa chân múa tay, “Có cái gì mà anh không có kia chứ?”
Hứng chí ngọ nguậy quá đâm ngồi không vững, suýt tí nữa con bé rớt khỏi tường.
Phó Kính Thù nói: “Tôi không có tiền mua thuốc cho người nào ngã gãy chân đâu.”
Phương Đăng phát hiện, tính cách cậu ta không mấy nhiệt tình, nhưng giọng nói lại khiến người ta cảm thấy như được đắm mình dưới cơn gió xuân. Dịu dàng, tiết chế, không gấp quá cũng không chậm quá, dường như bẩm sinh đã có sức mạnh mê hoặc lòng người. Nó nghĩ, giả sử giọng nói ấy bảo nó đêm là ngày, sợ rằng nó cũng tin.
“Anh cần làm gì nữa không, tôi giúp cho. Hay tôi tưới hoa cho, tôi khỏe phết đấy.”
“Cảm ơn, vừa mưa xong, cô tưới nữa thì hoa chết hết… À này, cô đừng có mà nhảy xuống…”
Cậu ta nói chưa dứt câu, Phương Đăng đã nằm gọn trên bãi cỏ dưới chân tường.
“… Cẩn thận!”
Phương Đăng định bò dậy, thình lình trông thấy một con chó to nằm phục trong bụi cỏ không xa, nghĩ đến nửa câu sau của Phó Kính Thù, người chợt run bắn lên.
Nếu sớm biết trong vườn có chó, dĩ nhiên nó sẽ cẩn thận hơn.
“Ôi mẹ ơi… Giữ chó nhà anh lại đi!” Phương Đăng bưng mặt co rúm người lùi lại.
Phó Kính Thù chẳng phản ứng gì, con chó trắng cũng không thèm động đậy. Phương Đăng dụi dụi mắt. Chẳng trách con bé nhìn lầm, trời còn âm u, pho tượng con chó bằng đá trắng thì nằm trong cỏ, cả về kích thước, tư thế đều y như chó thật.
“Tôi bảo cô cẩn thận kẻo sái chân.”
“Có một câu mà không nói cho hết ra!” Mặt mày lem luốc, Phương Đăng đến gần ngắm nghía con chó đá. Không đúng, “con chó” này hàm dưới nhọn hơn, hai tai vểnh ngược, dù đặt trong vườn bị mưa gió bào mòn, những đường nét chạm khắc đã không còn sắc sảo nữa nhưng vẫn đủ khiến người ta nhìn ra thần thái hoang dã kỳ dị của nó. Đây không phải chó, mà là hồ ly.
“Chẳng trách có người gọi nhà anh là ‘biệt thự hồ ly’.”
Mới đầu nghe qua cái tên này, Phương Đăng còn ngỡ là do cách phát âm chữ “Phó” và “Hồ” ở đây có chút tương đồng, giống như họ gọi “Phương Học Nông” thành “Phương Huyết Nùng” vậy. Không ngờ nơi này có “hồ ly” thật.
Vừa nói nó vừa quay sang nhìn Phó Kính Thù, ngạc nhiên phát hiện cậu ta đang cười. Là vì nó ngã trông buồn cười à? Cậu nên cười nhiều một chút mới phải. Trong mắt Phương Đăng, mỗi khi cười, dường như quanh Phó Kính Thù lờ mờ tỏa ra hào quang.
“Anh cũng là hồ ly phải không?” Phương Đăng biết mình lại nói lời ngốc nghếch. Nhưng giữa khu vườn tuyệt đẹp mà hoang lạnh, một người như thế đứng đó, dưới ánh sáng nhập nhoạng của buổi hoàng hôn, thật dễ khiến người ta tưởng tượng viển vông.
Người đó càng cười toe toét, “Cô bây giờ còn giống hồ ly hơn.”
Phương Đăng ngẩn ra một lúc mới hiểu ngụ ý trong lời nói này: Nó nằm bò dưới bãi cỏ, đối diện con cáo đá, hai bên quan sát lẫn nhau, tư thế như thể cùng một bầy mà ra.
“Cũng phải, hồ ly thường rất là đẹp.” Con bé nói xong, thản nhiên đứng dậy chẳng thèm thẹn. Rất nhiều người khinh nó là con gái thằng nát rượu, nhưng cũng nhiều người phải thừa nhận, lão nát rượu Phương Huyết Nùng có một đứa con gái xinh đẹp.
Phương Đăng sực nghĩ ra điều gì, chợt nhìn Phó Kính Thù chằm chằm.
“Sao mà nhìn ghê vậy?” Phó Kính Thù tuy là ông cụ non, nhưng tuổi còn nhỏ, bị Phương Đăng nhìn chằm chặp như thế cảm thấy không thoải mái cho lắm.
Phương Đăng không vòng vo, “Ai cũng bảo tôi hơi giống cô Chu Nhan hồi trẻ, thế tôi với anh chắc hẳn có nét hao hao nhau chứ?”
Nụ cười trên mặt Phó Kính Thù vụt tiêu tan, như pháo hoa chợt tắt trong màn đêm. Cậu nhóc rũ rũ vụn lá bám trên kéo, cụp mắt cúi đầu, “Cô mau đi đi, đừng để già Thôi trông thấy, chú ấy nóng tính lắm.”
“Già Thôi là ai?”
Cậu ta rõ ràng chẳng còn hứng thú nói chuyện với nó nữa.
“Đi nhanh.”
“Ra đằng nào bây giờ?”
“Nhảy vào được thì trèo ra được.”
Chương 3: Bùn Lầy Và Hoa
Phương Đăng trèo ra khỏi Phó gia viện, vì không tìm được điểm đặt chân thích hợp nên vất vả hơn lúc vào rất nhiều, tư thế lại vô cùng thảm hại. Phó Kính Thù tranh thủ trời ngừng mưa tỉa cho xong đám hoa lá, dẫu đứng ngay đó, thấy từng mảng tường rêu rụng xuống lả tả vì trò leo trèo của con bé cũng thà giương mắt nhìn chứ không chịu đỡ một cái. Ngược lại, Phương Đăng càng phát khiếp cây kéo nhọn hoắt của cậu, sợ không cẩn thận trượt ngã xuống, bị lưỡi kéo chết toi kia xiên một cái thì đi đời.
Nhảy xuống phía bên kia tường mà tưởng như từ cõi chết trở về, con bé nghe một giọng đàn ông già cỗi vọng ra từ trong vườn.
“Tiểu Thất, về ăn cơm.”
Có lẽ đó chính là “già Thôi” mà Phó Kính Thù nhắc đến.
Về sau Phương Đăng nghe vợ lão Đỗ nói, già Thôi là người trông coi khu biệt thự, tiện chăm sóc luôn Phó Kính Thù. Cả khu nhà rộng như thế giờ chỉ có hai người ở.
Phương Đăng không hiểu, Phó Kính Thù dù không còn mẹ cũng phải có cha chứ. Cho dù phụ mẫu đều mất, nhà họ Phó là một gia tộc lớn, sao lại để cậu ta đơn độc làm bạn với căn nhà hoang trên một hòn đảo bé xíu, chỉ cắt cử người trông nhà chăm lo cuộc sống cho cậu ta như thế. Vợ lão Đỗ không nói rõ lắm việc này, có lẽ bà ta cũng không biết căn nguyên bên trong.
Đến học ở trường mới, với Phương Đăng mà nói không phải chuyện gì quá lạ lẫm. Ngoại trừ chuyện khẩu âm của các thầy cô khiến con bé nhất thời chưa quen thì không có gì làm khó được nó cả… Con bé đã bao giờ hy vọng tìm được bạn tâm giao ở trường đâu. Đảo tuy nhỏ, nhưng việc hiếu hỉ, sinh lão bệnh tử đều có, Phương Học Nông lấy tiền công thấp nên việc đến khá thường xuyên. Từ sau khi về đây, cuộc sống của ông ta chỉ giới hạn trong tấc vuông, ít chạy đông chạy tây, Phương Đăng không phải lặn lội đi tìm, tan học không cần canh cửa cho cô Chu Nhan, thời gian học vì thế được tăng lên, cô bé dần đuổi kịp những bài học bị lỡ trong thời gian nghỉ.
Mặc dù cấp Hai và cấp Ba học chung một chỗ, nhưng Phương Đăng hiếm khi tình cờ gặp Phó Kính Thù ở trường. Nó thường cố ý loanh quanh ngoài cổng, chờ cậu ta đi ra rồi lẽo đẽo theo đuôi về nhà. Trừ khi thầy giáo dạy quá giờ hay bận việc khác, còn thường mánh lới này của Phương Đăng hiếm khi thất bại. Cuộc sống của Phó Kính Thù về cơ bản chỉ có từ nhà tới trường, lại từ trường về nhà, duy nhất sáng Chủ nhật lên thuyền vào thành phố học vẽ.
Tan học, lũ học trò ùa ra khỏi cổng như ong vỡ tổ, chốc lát chúng tản ra khắp các ngõ nhỏ ngoằn nghèo trên đảo. Đường về nhà của Phương Đăng không nhiều đồng bạn, ngoại trừ bọn trẻ ở cô nhi viện Thánh Ân, chỉ còn nó và...