Chưa bao giờ con viết tặng cha
Những dòng chữ cứ nhạt nhòa trước mắt
Cha gắng đợi con về gặp mặt
Nhưng con vô tình bội bạc phút giây qua
Ngày đó
Con
Vùi đầu vào môn thi cuối cùng Tư tưởng Hồ Chí Minh và những kế hoạch cho lớp liên hoan cuối khóa. Con lăn tăn với những sổ sách thu chi tiền Đoàn, nặng đầu vì những lời ra vào của bạn bè xung quanh.
Con cười, con có cười nữa ba! Con cười vì những năm tháng gian khổ vừa qua hết (con đâu biết rằng sau này còn khó khăn hơn), con cười vì cái tin từ quê nhà rằng ba đã khỏe lại được một chút.
Ngày đó,
con gửi tin nhắn cho ba với dòng chữ in thật to vì con sợ dòng chữ nhỏ sẽ gây khó khăn cho ba trong cơn bạo bệnh:
“BA ƠI, BA CÓ THẤY ĐỠ KHÔNG?”
“BA ƠI, BA RÁNG UỐNG SỮA DÔ NHEN BA!”
Sau tin nhắn thứ hai, con nhận được tin nhắn từ ba “Ba bt, lo ôn thi tốt, ba mừng”. Hết. Chỉ nhiêu đó thôi, con ngu con tin ba khỏe.
Ba biết con lo, gắng bấm vài chữ trả lời rồi lả người, ba chống chọi với cơn đau cuối.
Ba
Ba nằm trên giường bệnh, gầy chỉ còn xương.
Đôi mắt,
duy chỉ có đôi mắt của ba vẫn cố mở để đợi phút giây gái H chấm bút kết thúc bài làm môn cuối cùng.
Một tháng trước, tôi về nhìn những sợi chiếu đứt đoạn, nằm lệch về một bên ngay chỗ ba nằm và tôi hiểu được nỗi đau mà ba chịu đựng hằng đêm. Khuôn mặt ba tái trắng, đôi hàng mi rậm xô lệch vào nhau, khắp người ba vã mồ hôi, còn môi ba thì cứ bấu lại cắn lấy nhau,..ba một mình vượt qua cơn đau…cả nhà như tứa máu nhìn ba…(Ba tôi không nói được bởi thế cơn đau còn dữ dội hơn người đau bình thường gấp trăm lần).
Ngày đó
Ba khóc
Nước mắt ba rơi khi cơn đau ập tới nhưng nhất quyết không cho đứa nào chạm tay vào vết thương của ba vì ba sợ con vi trùng ác nghiệt sẽ làm hại các con. Cơn đau một mình ba chịu, vết thương một mình ba lau.
Đêm
là cơn ác mộng của ba. Đêm của những cơn đau, của nghĩ suy, dằn vặt.
Suốt đời tôi không bao giờ quên hình ảnh giữa đêm khuya ba lặng lẽ ngồi dậy, không bật điện, miệng ngậm lấy cây đèn pin, một tay ba cầm gương soi vết thương, một tay cầm giấy khó nhọc lau nó,…cho tới giờ tôi vẫn thấy nhói đau, đau tận sâu trong tâm vì hình ảnh ấy.
Ngày đó,
trong cơn đau cuối, ba nhất quyết không cho các anh thông báo cho em rằng ba đang hấp hối. Hàng chục lần ba nhắc đi nhắc lại rằng không được gọi em về. Điều cuối cùng ba làm cho con là đợi con đúng thời khắc con hoàn thành môn thi tốt nghiệp cuối cùng…
Ngày đó,
Huế nắng,
Bình Định mưa.
Chị Hai điện ra giọng ngập ngừng yếu đuối: “Em thi xong chưa? Về liền nghen em. Ba bị nặng”
Và, Huế cũng đổ mưa
Hai chị em ôm nhau khóc, hình như mấy đứa nhỏ khu trọ cũng khóc. Chúng nó (mấy đứa em) nhét vội những gói Mè Xửng vào túi tôi rồi cả xóm rủ nhau bịnh rịnh đưa tôi về. Đời sinh viên hết. Tôi về để gặp ba.
Mưa dầm. Tháng Năm lại có mưa dầm.
Mưa kéo rả rích từ Huế về Bình Định
Mười một giờ đêm
Anh chị thuê xe loại bốn bánh nhỏ chạy hơn năm mươi cây số đưa tôi về.
Làng yên ắng,
nhà yên ắng
Mái che trước nhà, rồi bàn, rồi ghế, rồi ngả ngiêng những chén, những ly.
Nghe “tít” “tít”, tôi nghĩ ba đang thở bằng máy để đợi tôi về…Má và chị đã ngủ, chỉ còn hai anh thức.
Mắt anh hai đỏ
Mặt anh bốn trắng bệch khi tôi hỏi “Ba đâu?”
Không gian nhòe
Con không thấy ba, cũng không thấy chiếc giường quen thuộc ba vẫn nằm. Trước mặt con là một khoảng trống…nó nhỏ thôi nhưng trong đầu con đó là cả một khoảng trời đã mất. Một phần to thế giới của con giờ đã trống…và sau lưng con…là tấm di ảnh của ba nằm trên bàn vong trắng lạnh.
0
…
Con đã về
Ba đã đi
Ba đi, đi mãi…
Ba ngày, bảy ngày, mười bốn ngày, bốn mươi chín ngày, vẫn không thấy ba về. Thi thoảng đêm vẫn nghe tiếng con Giọt tru lên mừng rỡ (người ta bảo mỗi khi có tiếng chó tru lên là có ma, mà nó mừng ăng ẳng thì chứng tỏ ma này là người thân).
Hồi xưa, Nội mất, con Giọt đêm nào cũng sủa chặp khuya tới khi trời rạng sáng. Ba rồi lão Móm hàng xóm đều gặp. Ba kể Nội về ngồi ngoài hè đòi lại cây gậy mà ba để lại thờ. Lão Móm thì thấy Nội mặc đồ trắng đi bộ về nhà cũ của Nội ngày trước. Dù thật hay không thì cũng đã có rất nhiều câu chuyện xung quanh Nội, ấy vậy mà ba thì tuyệt nhiên không nghe ai kể gì.
Ba ra đi biền biệt không tin tức kể từ ngày đó - ngày con hoàn thành bốn năm đại học.
Cuộc sống gia đình mình vẫn tiếp diễn…Giờ đây, tròn ba năm kể từ cái ngày khủng khiếp nhất, gia đình mình đã về lại bên di ảnh của ba, thắp nén nhang mong ba trên ấy cười nhiều, ba cười bù cho một đời nhân sinh oằn mình gánh gồng, hãy yên giấc nghỉ ngơi nghen ba!