hét lớn đến nỗi tiếng trong điện thoại vọng ra nghe rất rõ.
“Phu nhân, lần này không dùng kế đánh lạc hướng đâu. Cô ấy biết cả rồi.”
“Tôi cần cậu nói cho tôi hiểu à? Không dùng cách này nữa nhưng cậu hãy ở lại trường và quan sát nhất cử nhất động của nó.” – Bà Mai nói rồi cúp máy không để Kiệt nói thêm điều gì.
Nghĩ mãi mới ra cách để cho Kiệt – Người một năm trước đã từng tiếp cận Ân xuất hiện lần nữa khiến Ân đề phòng rồi tung con át chủ bài vào khi cô còn mải đề phòng Kiệt. Thế nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì đã phá sản, Ân hoàn toàn không quan tâm đến Kiệt mà đang chờ đợi người đến sau.
Quả nhiên một nửa tài sản nhà họ Lã là một miếng mồi thơm ngon béo ngậy. Nó đủ cám dỗ để thao túng suy nghĩ của con người. Đây không phải là lần đầu tiên bà Mai nghĩ cách hạ Ân và cũng không phải là lần đầu tiên kế hoạch thất bại. Muốn nắm được điểm yếu của Ân chẳng phải là điều dễ dàng.
Nếu Nguyễn Ánh Mai là Chu Du thì Lã Thiên Ân sẽ là Gia Cát Lượng.
Đứng bên ngoài cửa lớp và nghe toàn bộ những gì Kiệt nói trong điện thoại, Ân nở một nụ cười mỉa mai nhưng phảng phất sự chua chát khó hiểu. Thở hắt ra một tiếng, cô bỏ đi.
Đang lững thững bước xuống cầu thang thì điện thoại reo lên. Số của Phụng hiện lên trên màn hình.
“Gì vậy?”
“…”
“Xong rồi, vừa được ra về.”
“…”
“Ừ, tao về ngay.”
Ân cúp máy, còn chưa kịp cất điện thoại vào túi thì giọng nói dù hai năm không nghe vẫn còn ám ảnh vang lên bên tai.
“Chị cũng học ở đây à?” – Không biết từ đâu mà Đan đang đứng chắn ngang đường của Ân.
“Ừ, sao?” – Ân trả lời mà gương mặt không hề có vẻ gì là muốn nói chuyện với Đan.
“Nghe nói sau khi đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà không lâu chị đã bán biệt thự. Khó khăn đến thế mà có thể học ở đây sao?” – Đan mỉa mai.
“Nói chuyện với đứa con nít đúng là phiền thật đấy!” – Ân ngán ngẩm.
“Ai là con nít, tôi thua chị có hai tuổi thôi. Chị đừng nghĩ chị…” – Đan còn đang gân cổ lên cãi thì thấy Thiện, Nhật, Minh và cả Hy đang đi đến. Cô lập tức bỏ lửng câu nói rồi chuyển sang chủ đề khác.
“Chị này, em mới đến còn chưa biết mọi thứ ở đây. Chị dẫn em đi xem trường nhé!”
Thấy thái độ kì lạ của Đan, Ân quay đầu lại nhìn thì thấy bốn nam sinh chỉ còn cách mình vài bước chân.
“Người quen của em à?” – Thiện kín đáo nhìn Ân đánh giá rồi quay sang nhìn Đan.
“À, đây là chị gái em, tên là Thiên Ân. Thật không ngờ chị em cũng học ở đây.” – Kèm theo lời giới thiệu là một nụ cười hết sức duyên dáng.
Lời Đan vừa dứt, mắt Thiện lập tức lóe lên như có lửa.
“Thì ra đây là cô chị không có tính người đã đuổi mẹ con em sao?” – Cậu cười mỉa mai, nhìn Ân đầy khinh bỉ.
Trước lời công kích của Thiện, Ân cười khẩy rồi quay mặt bỏ đi không thèm cãi lại cũng chẳng buồn tức giận. Trước giờ cô vẫn luôn như vậy, không quan tâm người khác nghĩ gì, không để ý người khác nói gì, ngoài bạn bè ra thì không coi ai ra gì.
Thái độ coi thường của cô làm Thiện không khỏi ngơ ngác. Nếu là đứa con gái yếu đuối thì đã khóc thút thít mà thanh minh. Còn nếu là đứa đanh đá thì đã cãi lại rồi. Đằng này dửng dưng như không nghe thấy rồi bỏ đi. Thật không ngờ trên đời có kiểu người thế này.
“Tao đang nói chuyện mà con nhỏ đó bỏ đi kiểu đó sao?” – Mãi một hồi sau Thiện mới giật mình phát hiện mình bị lờ. Cậu quay sang hỏi Minh như thể không tin được điều vừa xảy ra. Trước giờ được săn đón còn không hết thế mà bây giờ bị một cô gái phớt lờ. Lần đầu tiên trong đời! Mà những điều đầu tiên thì sẽ khó quên đây.
“Mày không biết nên hỏi à?” – Không thèm an ủi thằng bạn vừa bị sốc đang còn ngơ ngác, Minh ném cho Thiện một câu vô cùng vô tâm.
“Chị em vẫn vậy mà. Chị ấy ngạo mạn đến nỗi làm người xung quanh phát điên. Anh đừng để ý làm gì!” – Đan giải thích mà như đổ thêm dầu vào lửa.
“Thôi, mày dẫn tình yêu của mày đi tham quan trường đi! Đừng có đứng đần ra đấy nữa.” – Nhật vỗ vai Thiện.
Thiện ậm ừ rồi tay trong tay cùng Đan đi.
Cậu đi khỏi thì mọi người nghe thấy tiếng cười khùng khục từ lồng ngực Hy phát ra. Hóa ra nãy giờ anh chàng này đang nín cười.
“Đừng cười nữa, đi ăn trưa thôi. Thằng kia nó đi với em yêu rồi, chắc không đi với tụi mình đâu.” – Minh đấm vào ngực Hy rồi đi trước.
Anh chàng đang cười bị đấm thì ho khan vài tiếng rồi cũng nhanh chóng rời khởi vị trí. Đương nhiên Nhật sẽ đi theo, đâu thể đứng lại đó một mình.
Ân lúc này đang chạy rất nhanh giữa cái nắng trưa cuối hè.
“Làm gì lâu vậy?” – Vừa thấy cô, Phụng càu nhàu ngay.
Nhìn Phụng bây giờ mới nhếch nhác làm sao. Ngồi giữa tám đứa trẻ gồm sáu gái và hai trai đang khóc hét lên, mặt Phụng cũng như đang mếu. Một hồi nữa mà Ân còn chưa về có khi Phụng cũng òa khóc thật.
“Dỗ có mấy đứa trẻ mà làm cũng không xong còn kêu ca gì nữa.” – Ân chau mày, hơi thở thở gấp gáp.
Nghe tiếng Ân, đám trẻ khóc to hơn rồi chạy ào đến bên cô miệng gọi to: “Mẹ Thiên Ân, mẹ Thiên Ân…”
“Tại sao lại hư như vậy? Mẹ đi học là ở nhà khóc thế này sao?” – Ân chau mày.
“Tại mẹ Mỹ Phụng kể chuyện ma cho bọn con nghe. Sợ quá nên mới khóc.” – Bé Thỏ giải thích, đôi mắt còn dính nước ánh lên tia oan ức.
“Mày hết trò làm rồi à?” – Ân lừ mắt nhìn Phụng.
“Vì không nhớ được trọn vẹn một truyện cổ tích nào, chỉ nhớ truyện ma nên tao kể.” – Phụng cười cầu hòa.
“Nín đi các con! Để mẹ xử mẹ Phụng cho.” – Ân dỗ dành mấy đứa nhỏ. Chúng tương đối nghe lời nên không lâu sau thì ngừng khóc.
Quay sang nhìn Phụng, Ân hít sâu lấy hơi định mắng cho Phụng một trận ra trò thì Linh từ ngoài chạy vô, trên tay cầm một cái hộp gỗ đựng đầy những lọ sơn móng tay.
“Muốn sơn móng tay thì qua đây với mẹ nào!”
Mấy đứa bé gái nghe vậy thì chạy đến chỗ Linh ngay lập tức, còn hai thằng bé vẫn đứng bám tay Ân.
Thấy Linh đã quăng “phao cứu trợ” cho mình, Phụng lập tức lảng sang chuyện khác để nói trước khi Ân kịp cho cô một trận xối xả: “Tối nay có việc phải làm đấy.”
“Để lát nữa nói tiếp.” – Ân nói rồi đá mắt về phía mấy đứa trẻ. Cô không muốn tâm hồn trẻ thơ của chúng bị vẩn đục bởi những chuyện liên quan đến cuộc sống của cô.
“Giờ không nói sợ tí nữa quên.” – Phụng cười cười xoa đầu.
“Đưa đầu mày đây tao đập ra rồi xắp xếp lại cho. Cái gì mà mới tí tuổi đã đãng trí rồi.” – Dù đang sơn móng tay cho mấy đứa bé gái, Linh vẫn tranh thủ bon chen.
Ân nhìn vào đồng hồ trên tay rồi quay sang nhìn Phụng.
“Đúng ra giờ này bọn trẻ phải đi ngủ chứ.”
“Ừ, thì tao kể truyện cho mấy đứa nhỏ dễ ngủ ai ngờ tụi nó khóc ầm lên.” – Phụng cười xun xoe.
“Mày ru ngủ bằng truyện ma à? Hay nhỉ!” – Ân nhìn Phụng kiểu như “không thể tin nổi” nhưng rồi thật nhanh, cô lấy lại vẻ nghiêm túc quay sang nói với Linh: “Đừng sơn nữa, để bọn trẻ đi ngủ trưa đi!”
Nghe Ân nói vậy, Linh đá lông nheo với mấy bé gái đang ngồi xung quanh mình: “Các con, các con thương mẹ Thiên Ân bằng nào?”
“Bằng trời, bằng đất.” – Đã được tập trước và được sử dụng nhiều lần, sáu bé gái đáp trôi chảy.
“Đi ngủ! Chiêu này cũ rồi.” – Ân nghiêm giọng.
“Mẹee… Thiênnn… Ânnn…” – Bọn nhỏ gọi Ân và kéo dài từng chữ làm cô cũng muốn chảy ra thành nước.
“Nửa tiếng thôi đấy.” – Ân nheo mắt.
“Vâng!” – Lũ trẻ đáp vui vẻ.
Hai bé trai bắt đầu chơi kéo co với Ân. Cô ngồi trên ghế và nếu kéo cô té khỏi ghế được thì coi như thắng.
“Phịch!” – Tiếng Ân đổ khỏi ghế và té xuống đất.
“Bo với Bin càng ngày càng khỏe nhỉ? Mẹ thua rồi.”
“Vậy phải để bọn con búng trán.” – Bo nhanh nhẩu.
“Búng nhẹ nhẹ thôi đấy!” – Ân nhăn mặt giả vờ sợ sệt.
Hai thằng bé thích thú lần lượt búng “póc, póc” vào trán cô.
Ôm đầu, Ân làm bộ xuýt xoa: “Vỡ trán mẹ rồi.”
Hai thằng bé nghe vậy tiếng cười càng giòn giã hơn.
Cô nhi viện – Một nơi chẳng đứa trẻ nào muốn đến. Nghe thôi đã cảm thấy lạnh lẽo và sợ hãi. Nhưng ở cô nhi viện Mái Ấm này thì khác, nó ấm áp và đầy ắp tiếng cười.
Bọn trẻ ở đây đứa nào cũng hay nói hay cười, hoạt bát, đáng yêu. Chúng hoàn toàn chưa đủ tuổi để ý thức được rằng mình là những đứa trẻ bị bỏ rơi, là những đứa trẻ mồ côi. Nhưng có lẽ khi chúng đủ trí khôn để hiểu được mọi chuyện thì cũng sẽ không buồn nhiều vì đã có Ân, Linh và Phụng yêu thương và làm mẹ của chúng.
Mặt khác, chính những đứa trẻ này là nguồn hạnh phúc của ba cô gái. Phụng và Linh cũng là trẻ mồ côi từ nhỏ. Ân tuy không mồ côi từ nhỏ nhưng hiện giờ cũng có thể gọi là mồ côi. Điều gì khiến ba cô gái này luôn mỉm cười và mạnh mẽ đến thế? Chính là được nhìn thấy những đứa trẻ này vui vẻ mỗi ngày.
Bán biệt thự của mẹ để xây cô nhi viện, cả đời Ân sẽ chẳng bao giờ hối hận vì điều này.
Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa khi ta có một ai đó để yêu thương, có một ai đó để ta sống vì họ và có một ai đó cần đến ta. Trong cái số phận thiệt thòi mà cuộc đời ban cho, ba cô gái đã tìm ra cách để thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Trở thành “lưu manh” để kiếm thật nhiều tiền lo cho lũ nhỏ, Ân chưa bao giờ cho rằng đó là quyết định sai lầm
Chương 5: Đại tỷ Thiên Ân
Bản thân Ân và cả hai người bạn cùng nhà đều có một thời gian tập cho mình thói quen ăn một mình dù họ không thích việc đó. Từ khi sống chung một nhà, chẳng ai nói ai nhưng cả ba thường đợi nhau cùng ăn, cái thói quen một mình cũng dần bị xóa đi.
Trong khi Linh thổi sáo ru bọn trẻ ngủ, Ân làm nóng lại thức ăn rồi dọn ra bàn, còn Phụng chỉ việc ngồi im. Cô bị Ân và Linh cấm lại gần bếp từ sau cái lần cô chiên cá rồi bỏ lên nhà và quên mất. Đến khi nhớ ra thì cá đã cháy thành than còn cái chảo bị lủng một lỗ. Lần đó hàng xóm đã phải gọi cứu hỏa vì họ ngửi thấy mùi khét nồng nặc.
Ba cô gái thường chọn những câu chuyện vui vẻ để tăng khẩu vị cho bữa ăn. Dù sao tâm trạng tốt thì tiêu hóa cũng tốt theo.
“Tối nay tao với Phụng sẽ đi, mày ở nhà với bọn nhỏ nhé!” - Một câu chuyện khôi hài vừa kết thúc, Ân nghiêm túc nói.
“Ừ, nếu đòi được thì tốt nhưng không được thì đừng làm bậy đấy.” - Linh cũng theo cái dáng vẻ nghiêm túc của Ân mà nghiêm giọng dặn dò. Cô vốn là một người cẩn thận và luôn nghĩ đến những trường hợp không khả quan. Vì không có được sự nhanh nhạy ứng phó với mọi hoàn cảnh như Ân nên cô ghét những điều ngoài dự kiến.
“Tao biết rồi.” - Ân lơ đãng trả lời. Cô hiểu Linh là người lo xa nhưng cô nghĩ Linh cũng hiểu cô không phải là người thích động tay chân.
“Tao không nói mày, tao nói con Phụng ấy.” - Linh chau mày rồi đá ánh mắt về phía Phụng.
“Khỏi lo.” - Phụng đưa ngón tay cái quệt mũi, không chút gì phật ý với sự không yên tâm về mình của Linh.
“Chủ nợ bảo lão này lì lắm, nợ mấy năm rồi mà cứ ì ra không chịu trả. Mà lão có tiền chứ đâu phải không có.” - Linh hướng ánh mắt về phía Ân giống như cố tình nói cho cô nghe. Dù sao thì có nói với Phụng cũng như không.
“Định xù nợ đây mà.” - Phụng nhận xét một câu không cần thiết.
“Gia đình lão thế nào?” - Ân hỏi nhưng không có vẻ gì đang quá để tâm vào câu chuyện.
Với thái độ của Ân, nếu là người ...