ên, đặt ở đó để nhắc người đời sau nhớ rằng họ Phó xuất thân thấp kém, không được quên công ơn khai sáng của tổ tông.”
Phương Đăng muốn chạm thử vào món đồ thú vị ấy, bèn thò tay ra, lại không may làm đổ bức tranh vốn dĩ đang dựng trái mặt trên bàn. Khác với các bức tranh bán thân được treo hết sức đúng lễ nghĩ phép tắc khác, bức ảnh nhỏ này chỉ lớn bằng lòng bàn tay, họa công tỉ mỉ, trong tranh là một thiếu nữ ngồi trên thảm cỏ nở nụ cười xinh đẹp. Cô bận bộ đồ màu trắng tự nhiên, đơm cúc vòng cung, bím tóc đen nhánh rủ trước ngực, đôi mắt long lanh biết cười. Phương Đăng vốn tinh tường, mau chóng nhận ra bức tượng đá thiếu nữ đang tựa lưng vào chính là con hồ ly nằm giữa đám cỏ hoang ở vườn sau hiện nay. Nền bức tranh còn có một mái đình hóng mát xinh xắn, chẳng phải chính là cái đình sụt mái mà Phó Kính Thù thường đứng vẽ tranh hay sao, chỉ khác năm xưa mọi thứ còn lành lặn đẹp đẽ, góc vườn cỏ thơm mơn mởn, thiếu nữ đẹp như tranh.
“Đây là…”
“Cô ấy chính là Tiểu Xuân, cũng là người sinh ra cha tôi.” Phó Kính Thù đợi Phương Đăng hỏi xong đã đáp liền.
Phương Đăng cầm bức tranh lật lên lật xuống xem xét, “Vẽ đẹp thật, là ông nội anh vẽ ư ?”
“Phải, ông và bà Tiểu Xuân lớn lên bên nhau, ngoài ông ra còn là ai được nữa? Nếu bà Trịnh còn ở đây bức tranh này tuyệt đối không thể bày trên bàn thờ một cách đường hoàng như vậy. Mấy năm nay, già Thôi đoán chừng bọn họ sẽ không bao giờ quay lại, nghĩ đến Tiểu Xuân cô nương và ông nội tôi đều qua đời đã lâu, liền len lén mang tranh ra bày ở đây. Dù sao người trong tranh cũng là chị ruột của ông, bà chỉ là cô hầu, nhưng đã sinh cháu cho họ Phó, không được vào từ đường thì ở gần ông nội chút nào hay chút ấy. Tiếc thay huyết mạch của bà đời này sang đời khác, trong mắt người ta chỉ là loại con hoang hạ cấp.”
Giọng của cậu nhỏ đến độ suýt chút nữa nghe không ra, nhưng sự lạc lõng trong đó không giấu đi được. So với cảm xúc tự hào tha thiết khi kể sự tích cha ông thật là một trời một vực.
“Đừng nói thế…” Phương Đăng vội vã ngắt lời, “anh là người họ Phó, cùng chảy một dòng máu với Phó Học Trình và Phó truyền Thanh. Nói không chừng một ngày nào đó, con cháu anh cũng sẽ kể về cuộc đời anh bằng giọng tự hào như vậy.”
Phó Kính Thù chẳng lẽ không nhận ra ý an ủi trong câu nói của Phương Đăng. Cậu ta chỉ đành cười, đang cười thì ho một trận dữ dội như muốn long cả phổi.
“Anh sao thế ?” Phương Đăng nghe trong tiếng ho có gì đó là lạ, lo lắng đến gần quan sát, “Có cần tôi đun cho anh chút nước không ?”
“Không cần, tôi không sao.”
Nói không sao, nhưng giọng Phó Kính Thù rõ ràng chẳng còn chút sức lực, cho dù có cố mấy cũng lực bất tòng tâm. Phương Đăng nhớ lại, từ khi nó bước vào nhà, trông cậu ta đã không được khỏe cho lắm. Nghe cậu ấy nói chỉ là cảm vặt, nó liền không bận tâm, vậy mà huyên thuyên một hồi, người cậu cư tụt dần vào ghế tựa, thanh âm thì càng lúc càng nhỏ…
Phương Đăng kéo mạnh cánh tay định ngáng cản của Phó Thất, sờ thử vào trán cậu ta.
“Chết thôi, sao lại nóng thế này? Anh sốt như vậy sao không nói? Tôi thật ngu như heo.” Nó hấp tấp định đi rót nước, giặt khăn mặt, nhưng ở nơi lạ nước lạ cái này, con bé nhất thời lúng túng, cứ như kiến leo cành đa lòng vòng hai lượt quay về chỗ cũ.
“Thôi đừng đi đi lại lại nữa, ngồi xuống, ngồi xuống đây.” Phó Thất yếu ớt chỉ sang bênh cạnh, nói.
Phương Đăng tìm thấy một cái ấm nước, sẵn đang cuống lên, liền mắng: “Ngồi cái gì mà ngồi? Ngồi xem anh chết thế nào chắc?”
“Tôi mà chết lấy ai kể chuyện ngày xưa cho em nghe.” cậu ta cười tươi, càng ho đến quay cuồng trời đất.
“Mấy chuyện trời ơi đất hỡi nhà anh liên quan quái gì đến tôi mà bắt tôi nghe!”
Phó Kính Thù im lặng một hồi, lại lầm rầm: “Tôi muốn nói mà, trước giờ chẳng ai chịu nghe tôi nói.”
Vậy mà cậu đã luôn tỏ ra mình là kẻ sống theo châm ngôn “im lặng là vàng”.
“Nói nói nói, anh không sợ nói cạn lời cả nửa đời sau ư ?” Nói xong con bé mới nhận thấy câu này thật xui xẻo, liền tự vả miệng một cái, “Tức chết đi được, khăn mặt gì mà khô rang thế này ?”
“Mười bảy tuổi cụ cố lần đầu đến Nam Dương, ông nội xông pha Điền Tây, còn tôi, chỉ ru rú ở nơi quái quỷ này, chẳng làm được gì hết.”
“Giữ được cái mạng đi rồi hẵng tính đến chuyện làm việc khác.”
“Phương Đăng, Phương Đăng… Nếu tôi nói, có ngày tôi sẽ xây dựng lại căn nhà này, em tin không ?”
Hai mắt cậu nhắm chặt, những lời lúc này gần như là mê sảng.
“Không được rồi, phải đưa anh đi khám ngay.” Phương Đăng muốn đỡ Phó Thất dậy, nhưng người cậu ta vừa nóng hầm hập vừa nặng trịch, thần trí mê man đi mất rồi.
“Em tin không ?” Đến tận lúc này cậu ta vẫn lẩm nhẩm câu hỏi ấy.
Đôi mắt Phương Đăng hoe đỏ, lớn tiếng đáp: “Tin! Dĩ nhiên là tôi tin chứ!”
Cậu nên biết rằng, dù cậu nói muốn xây vườn Viên Minh, nó cũng sẽ tin. Trước cậu, nó luôn là con ngốc thế đấy.
Vẻ như câu trả lời này khiến Phó Kính Thù được an ủi sâu sắc, cuối cùng Phương Đăng cũng dìu được cậu ta ngồi dậy, nhưng người cậu ta mềm nhũn như bị rút hết xương, lả vào người nó.
“…Vừa nãy tôi tin. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu hết tin rồi.”
Chương 8: Quyết Chẳng Rời Xa
Phương Đăng lục tung tầng hai lên, chỉ tìm ra một lượng thuốc cảm nhỏ. Chút thuốc đó không đủ để đối phó với bệnh tình đang chuyển biến xấu của Phó Kính Thù. Xem tình trạng phát sốt và mê man của cậu ta, nếu không hạ nhiệt kịp thời, không biết chừng sẽ trở thành sưng phổi.
Ngoài cửa sổ trời đã tối, lúc này cô nhi viện đã vào giờ giới nghiêm, chẳng thể trông mong cậu binh tôm tướng cá A Chiếu sang giúp, già Thôi đoán chừng chắc không về kịp lúc này. Phương Đăng không biết nhờ ai cùng dìu Phó Kính Thù đến trạm y tế, chỉ đành miễn cưỡng để cậu nằm trở lại ghế tựa, một mình chạy đi tìm bác sỹ.
Trên đảo chỉ có một trạm y tế duy nhất, thường ngày sau tám giờ, y bác sỹ đều tan ca về nhà cả. Phương Đăng cắm đầu chạy, đến trước cửa trạm y tế, con bé thở không ra hơi, tóc tai rối bù, mừng rỡ khi thấy bên trong đèn vẫn sáng.
“Bác sỹ…” nó đẩy cửa bước vào, phát hiện ra bên trong chỉ còn bà lao công đang lau nhà.
“Đóng cửa rồi.” Người đàn bà đang cắm cúi lau ngẩng lên nói.
Phương Đăng ngước nhìn đồng hồ treo trên tường. Đồng hồ chỉ tám giờ mười phút.
“Nhưng… nhưng có người bệnh đang ốm nặng!”
“Bác sỹ vừa tan ca xong. Bệnh thường thường thì sớm mai đến, nặng thì cáng vào thành phố.”
“Bác sỹ sống ở đâu ạ ? Cháu đi tìm ông ấy.” Phương Đăng không cam tâm nói.
Bà lao công tiếp tục chậm chạp kéo qua kéo lại cái giẻ lau sàn. “Sống trong thành phố.”
Phương Đăng chẳng nói chẳng rằng quay đầu chạy thẳng ra bến tàu, nếu may mắn nó sẽ kịp chặn ông bác sỹ trước khi ông lên tàu. Trạm y tế tới bến tàu gần bằng khoảng cách từ đầu nọ sang đầu kia hòn đảo, đến khi Phương Đăng gập bụng thở dốc dưới ánh đèn sáng choang trên bến, cũng là lúc còi báo hiệu tàu rời bến vang lên.
Cái đuôi gà bướng bỉnh giờ xõa tung qua hai vai, gió biển mơn man mấy lọn tóc bám hờ gương mặt dậy lên cảm giác lâm râm khó chịu. Cổ họng nó như có ngọn lửa đang bốc cháy, khóc không thành tiếng.
Khi Phương Đăng trở lại, Phó Kính Thù vẫn mê man trên ghế. Nếu không bận tâm đến khóe miệng mím chặt và gương mặt đỏ ửng, thì lúc này cậu ngủ thật an nhiên. Đôi hàng lông mày lẫn gương mặt thấp thoáng vẻ bất an non trẻ, cậu bây giờ trông mới ra dáng một chàng thiếu niên mười bảy tuổi.
Cậu không cho Phương Đăng biết phải liên lạc với già Thôi bằng cách nào, trong nhà thậm chí không thể tìm ra bất cứ số điện thoại nào để liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong lòng Phương Đăng hiểu không cách nào đưa người ra khỏi đảo vào lúc này, chỉ đành tận lực chăm sóc, cầu cho cậu bình yên qua khỏi đêm nay.
Lúc nó đi khỏi, ông phn chưa về nhà, cơm nước nó đã dọn sẵn để trên bàn. Không rõ người cha khi đêm xuống trở về không thấy con gái đâu sẽ phản ứng ra sao. Liệu có đi tìm nó ? Hay nổi trận lôi đình ? Hoặc, vui mừng khôn xiết vì bớt được một gánh nặng trên lưng ?
Từ cửa sổ phòng Phó Kính Thù nhìn sang, căn gác xép phía trên tiệm tạp hóa đã sáng đèn. Giả dụ nó về nhà “điểm danh” lúc này, chắc chắn đừng hòng bước ra khỏi cửa nửa bước.
Phương Đăng rón tay vén tấm màn nhung đỏ lên, biết bao lần con bé nhìn thấy nó từ xa, đến bây giờ mới được tận tay chạm vào. Tấm màn trơn mượt, nằng nặng y như tưởng tượng. Chưa bao giờ nó nhìn cái cửa sổ rách nát nhà mình từ vị trí này, cảm giác thật kỳ lạ. Như thể trong nhiều giấc mơ, nó và Phó Kính Thù nhìn nhau mỉm cười qua kẽ hở giữa các cây chuối tây bày trước cửa sổ này, vậy đứa con gái cô độc đang chống cằm ở kia lại là ai ?
Phương Đăng chẳng nhớ đã thay cho Phó Kính Thù bao nhiêu lần khăn mặt, chỉ biết là liên tục cả đêm. Rạng sáng gần bốn giờ, nó vào nhà bếp đun nước, trong lúc chờ, nó ngủ gật, nằm bò ra bệ bếp. Sực tỉnh, con bé giật mình đánh thót, may mà nước chưa sôi cạn, nếu không đã gây ra họa lớn.
Nó cầm non nửa ấm nước trở lại phòng khách tầng hai, kinh ngạc nhận ra Phó Kính Thù đã ngồi dậy, choàng chiếc chăn mỏng nó đắp cho ban nãy lên vai. Hai tay cậu ôm trán, dường như vẫn chưa tỉnh hẳn.
“Mệt thì nằm xuống đi.” Phương Đăng rót một ly nước, định giúp Phó Kính Thù thổi nguội. khi đưa nước tói, thuận tay nó chạm thử lên trán cậu. Tạ trời tạ đất, cơn sốt cao dường như đã bị đẩy lui, có điều vẫn còn ho. Nó định vỗ lưng cho cậu, lại suýt chút nữa làm cậu chết sặc.
Con bé xấu hổ lỏn lẻn cười khan hai tiếng.
Phó Kính Thù nhấp một miếng nước, đặt cốc sang bên, ngẩng lên định mở miệng. Phương Đăng đoán ra cậu định nó gì, bèn ngắt lời : “Không cần cảm ơn, tôi làm sao trơ mắt nhìn anh chết được.”
“Cái cô bé này sao cứ thích nhắc đến chữ ‘chết’ mãi”. Phó Kính Thù như cười như không, giọng khàn đặc, nhưng ngữ điệu dễ chịu thường ngày đã trở lại, “Tôi muốn hỏi, trong lúc tôi mơ mơ màng màng, em ở bên lẩm nhẩm hát bài gì vậy?”
“Lẩm nhẩm hát á?” Cậu ta không nhắc, chỉ sợ Phương Đăng chẳng nhận ra mình đã hát.Ngập ngừng một lúc, mặt con bé đỏ dần lên. Trước nay Phương Đăng nổi tiếng là giọng ca vịt đực, từ hồi tiểu học đã mấy lần được gọi vào đội văn nghệ trường vì ngoại hình xinh xắn, nhưng chỉ cần nó cất giọng, thầy cô nào cũng giơ tay đầu hàng.
Lúc ấy đã khuya, màn đêm yên tĩnh rợn người, cứ lặp đi lặp lại công việc thay khăn, nó bất giác ngân nga hát lúc nào không hay. Phương Đăng không thích phải thừa nhận cho lắm. “Có à?” Nó hỏi lại.
“Có mà, em hát rất to, làm tôi tỉnh luôn.” Phó Kính Thù ngẫm nghĩ, khẽ ư ử ngân thử một đoạn giai điệu đơn giản, “Thế này này, là bài gì vậy?”
Cậu đã hát lại được cả giai điệu như thế, Phương Đăng đành phải thừa nhận trong lúc cậu hôn mê, bản thân nó cứ như bị tẩy não vậy, không nhớ kỹ mình đã làm những gì.
“Đó là khúc hát ru.” nó nói.
Phó Kính Thù nghi ngờ, “Trước nay tôi chưa nghe qua khúc hát ru này bao giờ.”
“Cô tôi bảo, hồi nhỏ mỗi lần tôi không chịu ngủ hoặc bị ốm…” Phương Đăng buột miệng phân trần, rồi ngừng bặt. Hai người chìm vào một khoảng lặng im khó xử.
“Phương Đăng, sao em tốt với tôi vậy?” Phó Thất đánh tan căng thẳng, nhưng hỏi câu này th...