he ký ức đau thương của người khác. Đời này nó gặp trẻ mồ côi còn nhiều hơn gặp người bình thường, ai chẳng có câu chuyện riêng đẫm máu và nước mắt. Thành viên mới của “Mồ côi hội” trước mắt nó kia không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, cha cậu ta là người có sự nghiệp tốt, lại rất mực cưng chiều con, cho dù không còn cha mẹ, nhưng những người thân khác trong gia đình rồi sẽ thu xếp ổn thỏa cho cậu ta thôi. Định đi, nhưng gương mặt thê thảm trước khi chết của Lục Ninh Hải cứ ẩn hiện trên nét mặt cậu trai trẻ, khiến nó không làm sao nhấc nổi chân. Nói cho cùng, cậu ta lâm vào cảnh mồ côi cũng một phần vì nó.
“Cậu biết thế là tốt. Biết đâu, ông…. Ý tôi là người thân vừa ra đi của cậu, rất hy vọng được nói lời ly biệt với cậu trước khi ra đi.” Câu nói này xuất phát từ đáy lòng, Phương Đăng chưa quên trong cuộc nói chuyện cuối cùng, Lục Ninh Hải nhắc đến con trai với vẻ ấm áp và tự hào thế nào.
“Mẹ tôi mất vì tai nạn xe cộ, bây giờ đến lượt cha tôi. Cậu nghĩ xem, hằng ngày trên thế giới này biết bao con người đi lại ngoài đường đều bình yên vô sự, tại sao người nhà tôi lại như thế, sao nhà chúng tôi lại đen đủi đến thế !” Cậu nhóc ôm đầu suy sụp.
Phương Đăng ngồi xuống bên cậu, “Nếu tôi nói cho cậu biết, tôi chưa bao giờ gặp mẹ mình, chẳng biết bà là người thế nào, cha tôi là tên nát rượu, chết bất đắc kỳ tử ngay trước mắt tôi, cậu có thấy thế giới này công bằng hơn tí nào không ?”
Cậu ta quả nhiên bị những lời nói của Phương Đăng khiến cho chấn động, chầm chậm ngẩng lên nói: “Thật à ? Thế chắc cậu buồn lắm.”
“Ừ thì…. Cứ coi là như thế !”
Nếu người ngồi đây là Phó Thất, kể từ chữ đầu tiên nó thốt ra miệng, hoặc từ phút giây nó muốn đi mà rồi ở lại, cậu ta sẽ quan sát từng biểu cảm nhỏ mà phân biệt nó nói câu nào thật tình, câu nào giả dối, cũng sẽ nghi ngờ nguyên do và ý định khi nó xuất hiện tại nơi này. Nhưng cậu ấy không phải là Phó Thất. Cậu nhóc thật hồn nhiên. Một người sinh ra và lớn lên ở một gia đình hạnh phúc, chắc khi còn sống cha mẹ bảo bọc cậu ta rất kỹ.
“Thế cậu định thế nào ?” cậu trai quay sang nhìn cô bé đồng trang lứa, tâm lý bỗng chốc bởi thay thế bởi cảm giác đồng cảm.
Phương Đăng không đáp, vỗ vỗ lên chân cậu, “Cậu nhắm mắt giống tôi đi.”
Cậu ta bèn làm theo.
“Cậu thấy cái gì nào ?” Phương Đăng hỏi.
Cậu nhóc cảm thấy hơi khó hiểu, “Đen sì, có thấy gì đâu.”
“Cậu lại mở mắt ra xem nào.”
Cậu nhóc ngoan ngoãn nghe lời, mở mắt ngỡ ngàng nhìn ra xung quanh.
“Bây giờ cậu thấy cái gì ?” Phương Đăng lại hỏi.
Sau lưng cậu vẫn là mảnh rừng nho nhỏ, bầu trời vẫn trong vắt không bóng mây, lễ đường trước mặt vẫn bồng bềnh trong tiếng nhạc đám ma… Và vẫn cô gái nhỏ không biết từ đâu chui ra đứng bên cạnh.
“Chẳng thấy gì cả, mọi thứ vẫn y như trước lúc tôi nhắm mắt lại.” Cậu thành thật trả lời.
Phương Đăng lại vỗ vỗ vào chân cậu ta lần nữa, nói: “Thì đúng rồi. Khi cậu nhắm mắt, mọi thứ xung quanh không biến mất, những thứ mới sản sinh vẫn sẽ xuất hiện, cậu vẫn thê thảm như cũ, tôi cũng chẳng đột nhiên gặp may. Thế giới sẽ không vì cậu đau lòng sợ hãi mà thay đổi. Cách của tôi là thích làm thế nào hãy làm thế đó, nhưng dù làm gì, trước hết phải mở to mắt ra mà nhìn, nếu không ngày nào đó bỏ lỡ mất thời khắc cuối cùng, sẽ hối hận lắm.
Cậu nhóc nghe rồi ngẩn ra một lúc, có lẽ chưa từng nghe kiểu triết lý kỳ lạ này bao giờ, mất một lúc lâu mới khẽ nặn ra một câu: “Cậu nói đúng.”
Phương Đăng khá là hài lòng. Nó trải đời cũng nhiều, thuyết phục một cậu công tử đơn thuần thế này chẳng tốn mấy hơi sức. Khiến cậu ta nghĩ thoáng ra, bản thân nó cũng dễ chịu thêm đôi phần.
“Nếu thấy tôi nói đúng, thì cậu còn ngồi đây làm gì, mau vào đi, nghi lễ sắp kết thúc rồi kia kìa.” Nó phủi phủi đít quần định đi.
Cậu chàng lúc này mới nhớ ra một vấn đề quan trọng, “Mà cậu cũng đến dự đám tang à ?”
Phương Đăng không muốn cậu ta biết mình là ai, bèn tiện miệng nói bừa: “Ừ, tôi đến dự đám tang của dì tôi.”
“Cũng hôm nay à, thế dì cậu vì sao mà mất ?” Cậu hỏi tường tận gốc rễ thế này, chắc không muốn con bé lạ mặt kia đi quá mau.
Phương Đăng miễn cưỡng đáp: “Chết vì mất máu nhiều quá.”
“Sao mà mất máu ? Lễ truy điệu cũng làm tại đại sảnh trước mặt à ?”
“Ừ chuẩn, tôi có việc phải đi đây.” Phương Đăng quyết đánh nhanh rút gọn, mấy kẻ ngốc nghếch thật nguy hiểm.
“Chờ đã.” Cậu kia vội vã đứng dậy muốn ngăn nó lại, “Tôi tên Lục Nhất, còn cậu ?”
Phương Đăng dĩ nhiên sẽ không khai thật. Song thấy vẻ băn khoăn rất mực chân thành của cậu ta, nó nhất thời không thể cứ thế bỏ đi.
Nó bỗng nhớ đến con người đang cách xa nó từng phút một. Cậu từng nói, nó chính là cậu, một cái “tôi” khác. Phương Đăng thật khát khao bản thân mình thực sự biến thành cậu ấy, được trú trong thân thể cậu ấy, vĩnh viễn không phải biệt ly.
Nó liền nói với Lục Nhất: “Tôi tên Phó Kính Như.”
Chương 19: Một Gương Mặt Khác
Mái hiên cửa hàng đối diện treo đầy đèn màu, các nam thanh nữ tú mặc quần áo mùa đông so vai thở ra từng cột khói trắng. Họ qua lại dập dìu, trên gương mặt đượm vẻ âu lo lẫn vui sướng mà chỉ người thành thị vào những ngày Tết mới có. Cửa hàng vải nội thất treo chiếc đèn lồng lớn thông báo khuyến mãi nhân dịp năm mới. Năm mới, lại sắp sửa đến.
Phương Đăng tiễn vị khách cuối cùng khỏi cửa, quay vào nói với cô nhân viên đang đứng trước quầy thanh toán kiểm kê hàng: “Hôm nay chị về sớm một chút đi, năm nào đến tầm này cũng bắt chị ở lại trực, ai không biết lại tưởng tôi ngặt nghèo.”
“Dù có về sớm cũng chẳng biết làm gì.” Người phụ nữ cắm cúi xem sổ sách cất tiếng.
“Còn cháu gái chị đâu, không phải trông ư?”
“Trường nội trú có tổ chức đi chơi công viên nhân Tết Tây, mấy đứa trẻ con thích đến chỗ náo nhiệt hơn.”
“Mà chị đừng nên để bản thân quá cô quạnh.” Phương Đăng thở dài não nuột, tiện tay đón lấy vật trong tay người kia, “Đóng cửa rồi! Ngày mai cửa hàng nghỉ Tết một hôm, muốn làm gì thì làm cho thỏa thích. Tuổi thanh xuân dù không đáng tiền, thì cũng nên phung phí vào những việc có ý nghĩa một chút.”
Cô gái tuổi tác xấp xỉ Phương Đăng bèn cười, vào trong thay quần áo, tỏ vẻ thế nào cũng được. Nhớ lại sáu năm trước, cửa hàng mới mở chưa bao lâu, có một cô gái trẻ măng, nói năng dịu dàng, vừa khéo may vá vừa xinh xẻo đến ứng tuyển. Đúng vào lúc tiệm cần người, Phương Đăng liền hỏi cô cần thù lao thế nào mới chịu ở lại giúp. Cô gái kia chẳng đưa ra một cái giá nào, cứ lặng im một lúc rồi thốt nhiên nói: “Tôi từng đi tù, giờ chỉ muốn sống an phận, chị cần tôi là quý rồi, chỉ cần đủ dùng nhu cầu thiết yếu thôi, bao nhiêu tiền cũng được.”
Phương Đăng nghe nói khá là kinh ngạc. Cô khó mà nghĩ rằng một người phụ nữ trẻ trung, dịu dàng hướng nội, yếu mềm đến độ gió thổi bay mất thế kia lại từng là một tội phạm. Nói như vậy, chắc trước đây cô ấy đã bị không ít nơi từ chối. Cũng phải, người làm ăn chân chính, ai chẳng muốn quân nhà mình là người đàng hoàng trong sạch?
Vậy mà chỉ sau chốc lát do dự, cô đã nhận cô gái ấy. Có lẽ rằng mới hỏi sơ qua chuyện quá khứ, cô nhìn ra ngay trong ánh mắt người kia có một thứ gì thân thuộc. Phương Đăng cũng trải qua một tuổi thanh xuân khác với đa số mọi người, nên đối với thuở thiếu thời tàn khốc và cuồng điên của người kia, đối với việc định đoạt trắng đen, sai đúng, cô có cách nghĩ của riêng mình. Thêm nữa, cô rất tin vào mắt nhìn người của bản thân.
Cứ thế, cô gái tên Tạ Cát Niên kia ở lại cửa hàng vải nội thất của Phương Đăng chớp mắt đã sáu năm. Đôi khi Phương Đăng cảm thấy Cát Niên mới là bà chủ chứ không phải mình, cô ta tật tâm tật lực vì cửa tiệm hơn cả mình. Ban đầu khai trương cửa hàng này, chỉ vì Phương Đăng muốn tìm một nơi ký thác, nếu không nhờ Cát Niên dốc lòng dốc sức, chắc gì tiệm đã kinh doanh khấm khá như ngày hôm nay. Mỗi dịp lễ tết, các nhân viên khác đều nghĩ cả, chỉ có Cát Niên và cô bám trụ lại cửa hàng.
Đóng cửa hàng về tới nhà, đã gần chín giờ tối. Nơi ở hiện tại của Phương Đăng cũng có một cái gác xép nho nhỏ, mặc dù không hoàn toàn giống với nơi ở trước kia trên đảo. Một trong những lý do quan trọng khiến cô chọn căn nhà này, là vì cánh cửa sổ nhìn ra biển. Đứng trước đó, cô sẽ nhìn thấy đảo Qua Âm ở phía xa. Đặc biệt vào ban đêm, hồ như cô có thể tự tưởng tượng mà chỉ ra, đâu là bến tàu, đâu là giáo đường, đâu là cô nhi viện, đâu là nhà họ Phó… Ánh sáng từ ba công trình trước có lẽ đều là thực, duy nhà họ Phó chỉ là tưởng tượng. Đèn ở nơi ấy đã nhiều năm rồi không được ai thắp lên.
Phương Đăng đặt chìa khóa xuống bước lên gác xép, chỉ mới tới lưng chừng cầu thang đã nhìn thấy phía trên tỏa ra ánh đèn. Cây chuối tây trước cửa sổ ướt đẫm, như vừa được ai tưới tắm. Cô đưa ngón tay ra đón một giọt nước lăn xuống từ phiến lá, ngoảnh ra sau, Phó Kính Thù đã đứng ở cửa nhà vệ sinh tự lúc nào, tay cầm chiếc bình tưới cây.
“Em ấy à, bẩm sinh đã không có gen trồng hoa. Anh cứ tưởng cây chuối tây này được chăm sóc tốt lắm.” Hắn đứng bên Phương Đăng, lại tưới thêm một chút nước vào mấy tán lá, rồi dùng tay hái xuống hai phiến lá hơi cuốn lại, “Em xem này, mấy cái vân màu vàng đứt quãng trên lá là triệu chứng bị bệnh, nếu không hái đi ngay, cả cái cây sẽ chết khô.”
Một cách vô cùng tự nhiên, hắn cúi xuống nhỏ nhẹ bên tai cô, như thể sáng nay hai người vừa tạm biệt ở cửa, kết thúc một ngày làm việc, lại cùng nhau chăm sóc cây cảnh trong nhà.
Phương Đăng nói: “Anh không nhớ cái cây này do anh trồng ư. Nó có ốm đau quặt quẹo một tí, anh mới không quên.”
Cô chẳng rõ chậu hoa liệu có nhung nhớ chủ nhân. Mai là mùng một Tết Tây, đã tròn một năm họ không gặp mặt. Khi vừa rời đi, Phó Thất chỉ có thể hứa với cô mỗi năm trở về cùng cô đón Giao thừa một lần. Cả hai người đều không thể quên cái đêm tống cựu nghênh tân tăm tối vô biên của mười ba năm trước, họ bạt mạng trốn thoát khỏi cái nhà xác bỏ hoang đã giam giữ hắn suốt một ngày một đêm, tìm về chốn phố xá ồn ào, vội vã và tham lam hít hà chút ấm áp vào tim. Cái Tết ấy, có người mất, có người như sống lại lần thứ hai. Cũng chính cái Tết ấy, chúng nhận ra mình chỉ có thể dựa vào người kia mà tiếp tục tồn tại.
Năm nào cũng thế, ít nhất trong thời gian này, họ ở bên nhau. Đó là điều mà sau rất nhiều năm, hắn vẫn làm vì cô.
Khi vừa tới Malaysia, mọi chuyện với Phó Kính Thù không mấy thuận lợi. Dù trên danh nghĩa là về với bề trên của Phòng Ba, nhưng bà Trịnh rõ ràng không phải một người bà đôn hậu. Bà nhận “đứa cháu” này, là quyết định của lý trí, còn trên thực tế hai người đã làm “người dưng” suốt mười bảy năm, đột nhiên phải đối xử như người thân trong gia đình đâu có dễ dàng.
Phó Kính Thù cũng hiểu rõ điểm này, tất cả những gì hắn có thể làm được, là hoàn thành mọi việc một cách trọn vẹn nhất, hắn không ngừng rèn luyện để bản thân thêm phần ưu tú, nỗ lực chứng tỏ mình với bà Trịnh, tìm mọi cách khiến bà vui. Song, hắn làm quá tốt, lại khiến bà Trịnh buồn lòng. Bà sẽ nhớ về đứa con trai đã chết Phó Duy Tín, nghĩ đến việc người kế thừa con mình lại là một “đứa cháu” chẳng có quan hệ huyết thống thân thiết. Dĩ nhiên, bà còn nghĩ đến cái ...