u là bước không thể thiếu trước khi tiến tới tình yêu.
Không được phép nắm tay khi chưa biết gì về nhau. Tên bố mẹ người yêu còn chưa biết, thế mà đã khoác tay thì còn ra thể thống gì. Phải biết người kia đi giày số mấy, cỡ quần áo bao nhiêu, mấy tháng biết đi, lặn được bao lâu dưới nước... rồi mới tiến tới giai đoạn tiếp theo được.
Tìm hiểu nhau là bước rất quan trọng. Đó là mong muốn biết thêm về nhau, cũng như mong muốn người kia biết con người thật của minh. Có thể suy nghĩ của chúng mình hơi đặc biệt, nhưng chúng mình đã chọn cách đến với nhau thận trọng như vậy.
Do đó, việc chuyện trò cùng nhau thật cần thiết. Chúng mình đã chuyện trò suốt cả năm tiếng nhưng chưa chạm được vào ngón út của nhau. Tình hình này không biết phải nói chuyện bao lâu mới tới được đám cưới đây? (Tuy lúc ấy, anh mới mười tám và em là người đầu tiên anh hẹn hò chính thức nhưng anh cũng đã tính chuyện cưới xin rồi. Anh nghĩ yêu nhau là phải như vậy.)
Anh cũng hiểu, tuy chỉ mang máng, rằng ngay cả giai đoạn hôn thôi cũng cần phải có thời gian. Anh không vội, hơn nữa, em là người sẽ sống cùng anh cả đời nên vẫn còn khối thời gian. Ít ra thì chúng mình đã mất ba năm mới hẹn hò nhau lần đầu, kể từ sau lần nói chuyện đầu tiên. Cho nên, muốn tiến tới được giai đoạn hôn thì cũng phải mất thêm ba năm nữa.
Anh đã nghĩ vậy.
Trong lần trò chuyện năm tiếng này, chúng mình đã tiến gần đến đoạn hôn nhau.
(Không biết lúc hôn, cái răng khểnh của em có bị vướng không?)
Anh đã nghĩ thế lúc nhìn vào môi em.
Trời tối, chúng mình phải về.
Giờ nhìn lại có thể nói lần hẹn hò này là bước mở đầu cho giai đoạn tiếp theo, nhưng thú thật với em là khi ấy, anh không đủ tự tin để nghĩ vậy. Nhiệm vụ trước mắt của anh là phải hẹn cho được em lần sau chứ không phải cái chuyện hôn hay cưới em.
Ra khỏi cửa hàng, chúng mình mua vé ở ga. Lúc này, cuộc hẹn sau vẫn chưa được nhắc tới. Chúng mình qua cửa soát vé, bước xuống sân ga. Năm phút nữa tàu anh sẽ đến, sau đó hai phút là tàu của em. Thế mà anh vẫn cứ say sưa kể cho em chuyện chăm con của loài cánh cụt hoàng đế.
(Anh không nhớ tại sao chúng mình lại nói chuyện này nhưng anh rất am hiểu chuyện chăm con của chim cánh cụt hoàng đế. Anh sẽ kể cho em nghe sau.)
Em lắng nghe rất chăm chú, trong khi lòng anh như đang có lửa đốt. Xe điện sắp tới rồi. Và xe điện tới thật.
"À..." anh nói. "Tớ đến Ekinoda xong rồi mới về. Tớ sẽ đợi chuyến sau."
Xe điện của em tới.
"Ồ..." em nói. "Chuyến sau vẫn kịp."
Em phải về ký túc trước sáu giờ. (Giờ giới nghiêm của trường nữ là sáu giờ tối! Thế này thì anh làm sao rủ em đi xem pháo hoa được.)
Chúng mình có thêm được bảy phút, nhưng bảy phút đó cũng trôi vèo trong nháy mắt. Giả sử có thêm ba mươi ngày nữa thì cũng chẳng thay đổi được gì. Quyết định luôn rơi vào những giây cuối cùng.
Xe điện của em tới, cửa xe mở, hành khách bắt đầu bước lên. Em đi theo sau họ. Em ngoảnh lại mỉm cười với anh. Mãi tới lúc đó anh mới thốt lên.
"Lần tới bọn mình gặp nhau nhé?"
Còi tàu vang lên, em nói:
"Tớ phải quay về ký túc xá rồi."
Em hét lên thật to để át tiếng còi tàu:
"Tớ sẽ viết thư cho cậu."
Cửa xe điện đóng lại.
"À, thế hả?"
Anh nói với con tàu đang chuẩn bị rời ga.
Nhưng không sao, đây chưa phải là hồi kết. Mở đầu và kết thúc chỉ khác nhau như cửa vào và cửa ra. Có cửa vào nghĩa là có thứ gì đó ở bên trong. Thứ đó hẳn sẽ rất tuyệt vời
Khi ấy, anh đã nghĩ như vậy.
Một tuần sau, thư của em đến. Anh viết thư trả lời em ngay ngày hôm sau. Khoảng một tuần sau nữa lại có thư của em. Lần này, anh để cách ba ngày mới viết cho em.
Đấy là nhịp độ tiến tới của chúng ta.
Những người cuồng nhiệt nhìn chúng ta hẳn sẽ thất vọng lắm, nhưng đó là mức độ vừa phải với cả hai. Tình yêu giữa hai con người nghiêm túc, chậm dậy thì tiến triển một cách lặng lẽ, chậm rãi và khiêm tốn. Trong thời buổi hỗn độn này, đây quả là một việc xa xỉ.
Ký túc xá của em ở Setagaya có đúng một chiếc điện thoại. Cổng ký túc cũng có bốt điện thoại công cộng nhưng bọn em không được phép ra ngoài sau giờ giới nghiêm. Thời ấy, điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ, như giả sử có phổ biến thì chưa chắc chúng mình đã dùng.
Chúng mình không thích điện thoại.
Điện thoại là thứ vô duyên, kênh kiệu và hung hãn. Chúng kết nối chúng ta với những người vô duyên, kênh kiệu và hung hãn. Đó là nhân viên tiếp thị, người vận động bầu cử, hoặc một người bạn chẳng mấy thân thiết gọi điện nhờ điểm danh hộ. Điện thoại và mấy người đó có mức độ tương thích rất cao.
Đến cả câu nói đầu tiên phát qua điện thoại cũng thuộc loại kênh kiệu.
"Watson, đến đây ngay!" (Tất nhiên, đây là cân nói của Graham Bell.)
Câu nói đã ám chỉ đến tính cách của điện thoại sau này.
Tóm lại, chúng mình thích liên lạc với nhau qua thư hơn là điện thoại.
Chữ em đẹp ghê. Nét chữ của một học sinh xuất sắc, xinh xắn, mảnh mai với phần đuôi chữ hơi run run làm anh liên tưởng tới giọng nói của em.
Việc này khiến anh hơi xấu hổ. Vì chữ anh xấu đến mức khó tin.
Cho anh thanh minh một chút là việc này bắt nguồn từ suy nghĩ bảo thủ của bố mẹ. Hồi nhỏ, anh bị bố mẹ bắt sửa thói quen thuận tay trái. Vì tin vào một cái thống kê vớ vẩn nào đó rằng ai thuận tay trái sẽ chết sớm nên bố mẹ anh đã dùng dây trói tay trái của anh lại. Chẳng còn cách nào khác, anh đành phải dùng tay phải vốn đã vụng về để cầm đũa, ném bóng, viết chữ... Cánh tay trái sau thời gian bị cấm đoán trở nên rụt rè hơn, không nhanh nhẹn như trước nữa. Giờ thì anh viết tay nào cũng xấu như nhau.
Hình như em vẫn giữ thư của anh đấy nhưng anh không muốn em đọc lại đâu.
"Thư của em còn ở đây chứ?" Mio hỏi.
"Còn. Sau khi cưới, anh có mang theo."
"Em muốn đọc lại. Không biết trong thư viết gì."
"Mấy chuyện thường nhật thôi, việc luyện tập ở câu lạc bộ, ước mơ sau này."
"Ước mơ sau này?"
"Ừ."
"Tốt nghiệp xong em có đi làm đúng không?"
"Ừ. Em học cao đẳng nên hai mươi tuổi em đã đi làm mà."
"Em chọn nghề gì ? Đúng như em mơ ước không?"
"Có. Em đã chọn đúng nghề em mơ ước."
"Nghề gì ? Em rất muốn biết. Kể cho em đi."
"Em.." tôi nói. "Em trở thành giáo viên dạy nhảy tại câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ."
"Dạy nhảy?"
"Ừ. Nhảy Aerobic."
"Em?"
"Ừ, em."
"Không thể tin nổi."
"Công nhận."
Nhưng.., tôi nói.
"Em học thể dục nhịp điệu cả cấp III và cao đẳng nên việc này không có gì là xa vời cả."
"À, vâng. Em tập thể dục nhịp điệu mà."
"Ừ. Em thích nhảy. Em cũng thích làm giáo viên nữa. Vì vậy em đã chọn cách đem niềm vui nhảy múa đến cho mọi người."
"Em có cảm giác mình làm giáo viên thì hợp hơn." "Em có bằng sư phạm đấy. Nhưng cuối cùng em đã chọn dạy nhảy."
"Em làm giáo viên dạy nhảy cho đến khi lấy anh?
"Đến khi em mang bầu Yuji. Đúng ra là em phát hiện mình mang bầu hơi muộn nên lúc đó em mới nghỉ."
Mio thở dài.
"Cuộc đời của em." Nàng nói, mắt vẫn nhìn lên trần nhà nhuộm ánh đèn máu cam. "Tự nhiên..."
"Sao cơ?"
"Tự nhiên em có cảm giác mình làm được quá nhiều. Theo em hiểu em chỉ là một học sinh trầm tĩnh và nghiêm túc."
"Ừ."
"Vì vậy em hình dung một người như em sẽ có cách sống bình dị và đơn giản hơn."
"À, cũng có thể."
"Đúng không? Em chọn nghề không phải vì thích hay ghét, mà vì nghề đó ổn định, có chút danh tiếng, làm một nhân viên văn phòng bình thường thôi cũng đủ làm em mãn nguyện. Em cảm giác đó mới chính là em."
"Ừ."
"Em lấy chồng cũng không phải xuất phát từ tình yêu mà là do một người họ hàng nào đó giới thiệu, và em cũng thấy hài lòng với một cuộc đời như vậy. Giả sử anh kể cho em một câu chuyện kiểu đó em cũng sẽ gật đầu đồng ý."
"Anh hiểu" tôi nói. "Em vẫn nói mà. Rằng em đã cố quá sức mình. Người như em chỉ chọn con đường an toàn, thế mà chẳng biết từ lúc nào, em lại nhắm mắt, chạy hết tốc lực qua cây cầu không có tay vịn."
"Vậy ư?"
"Ừ. Em giỏi lắm."
"Giỏi?"
"Em đã lấy một người như anh. Riêng quyết định này đã là quá giỏi rồi."
"Nhưng mà..."
"Anh bảo sẽ kể sau cho em. Về những vấn đề của anh."
"Nếu tính cả chuyện này thì cách sống của em không hề bình dị và đơn giản chút nào."
"Thế sao?"
"Chuyện đó thì..."
"Anh kể đi."
"Để mai nhé."
"Trời!"
"Mai đi."
"Anh đã kể đến đoạn này rồi cơ mà?"
"Ừ. Nhưng kể tiếp thì dài lắm."
"Nhưng mà."
"Anh mà không ngủ sớm thì mai không làm việc nổi đâu."
"Mới có mười rưỡi."
"Với anh là nửa đêm rồi đ
"Thật sao?"
"Ừ. Chúc em ngủ ngon."
"Chúc anh ngủ ngon."
"Anh ngủ thật à?"
"Thật."
"Nhưng mà..."
"Ngủ ngon nhé."
"Chúc anh ngủ ngon."
"Thế hả?"
Thí hả?
"Yuji nói mê đấy. Em đừng để ý. Ngủ đi nhé."
"Chúc anh ngủ ngon."
"Thế hả?"
Chương 11
Hết giờ làm, đang đạp xe về nhà thì tôi trông thấy thầy Nombre và con Pooh đi đằng trước. Khi đuổi kịp được thầy, tôi xuống xe, gọi:
"Thầy Nombre."
Thầy ngớ người ra trong một giây rồi thốt lên: "Ôi ôi."
("Ngớ người" cũng là sở trường của tôi. Mỗi lần như thế, Mio lại hỏi tôi: Hồn vía anh vừa bay đi đâu vậy?)
"Anh vừa đi làm về à?"
"Vâng ạ."
"Yuji vẫn khỏe chứ?"
"Khỏe ạ. Còn thầy?"
"Cũng tàm tạm. Con người ta đến tuổi này rồi thì làm sao không có chuyện được. Bị đau mười nhưng khỏi được năm cũng tốt lắm rói."
"Vậy hôm nay thấy khỏi được năm?"
"Cũng cỡ đó."
Con Pooh ngước lên nhin tôi, cố gắng sủa "~?" Tôi bảo "nào nào" rồi lấy chân xoa bụng nó.
"Tiểu thuyết của anh vẫn tiến triển chứ?" thầy Nombre hỏi.
"Dạ không, dạo này em đang tạm nghỉ."
"Ôi trời!" thầy thốt lên. Một câu cảm thán diễn đạt thay cho câu hỏi "Lại có chuyện gì à?" một cách rất súc tích.
Tôi cảm thấy cơn bốc đồng trong người dâng lên dồn dập.
"Hay là nói ra luôn?"
"Nói luôn cho thầy chuyện của Mio?"
Một cơn bốc đồng kiểu như vậy. Nhưng liệu thầy có tin lời tôi?
"Mio," tôi thử mào đầu.
"~?" con Pooh sủa.
Thầy Nombre làm bộ mặt giống hệt con Pooh, nhìn tôi.
"Cô ấy?"
"Vâng."
"Vâng?"
"Nếu em bảo vợ em đã về thì thầy nghĩ sao?"
"À, à," có vẻ như thầy Nombre đã hiểu ra.
"Cuốn tiểu thuyết của anh hả?" thầy Nombre nói "Anh định lấy đó làm bối cảnh?"
Tôi gật đầu ...